Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Vì sao là những đứa trẻ 'mắc zịch'?


"Những đứa trẻ mắc zịch" là cuốn truyện dài cho thiếu nhi đầu tiên của nhà văn “chuyên viết cho người lớn” Trần Nhã Thụy.
Trong phần đề từ của cuốn sách, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: “Thoạt nhìn thấy chữ 'mắc zịch', tôi băn khoăn quá. Tôi nói với tác giả 'Sao ông đặt tên sách cà rỡn thế này?'. Trần Nhã Thụy tủm tỉm 'Thì anh đọc truyện đi đã'. Tôi đọc, thì ra 'mắc zịch' không phải là... 'đồ mắc dịch' mà là biến âm của 'magic' - 'ảo thuật'".
Nói về tác phẩm này, Trần Nhã Thụy cho biết anh viết trước hết để dành tặng cho hai cậu con trai của mình, sau đó là dành tặng cho tất cả những bạn trẻ yêu thích ảo thuật, đặc biệt là ảo thuật đường phố.
Đây là câu chuyện xảy ra vào một mùa hè, bối cảnh là thành phố Sài Gòn. Những đứa trẻ mê ảo thuật gồm: thằng Trà Đá, thằng Tuấn Anh, thằng Mặt Nạ Tuấn Em, bé Bông…, cùng các nhân vật đã, đang và sẽ “dính líu” tới ảo thuật khác như: Băng hot girl, Vĩnh Hy, ông Hoàng bồ câu, Tùng xẻo…
Là một câu chuyện có chủ đề ảo thuật, nên trong truyện đương nhiên có rất nhiều những màn biểu diễn ảo thuật. Nhưng đây không phải là cuốn truyện đi sâu vào “chuyên môn ảo thuật”. Các nhân vật ảo thuật gia, hay những màn trình diễn ảo thuật chỉ là cái phông hay cái cớ để cho cuộc phiêu lưu trong lòng thành phố diễn ra một cách sinh động, hào hứng, đầy cảm xúc.
Tùng xẻo, tức Tùng thần bài, sau khi đốt gánh xiếc của thầy mình là ông Hoàng bồ câu đã bỏ Sài Gòn hành nghề mãi võ. Khi trở về Sài Gòn, Tùng xẻo lập mưu cướp kim cương ở trung tâm thương mại Red Plaza. Tuy nhiên, để màn cướp này trót lọt, Tùng xẻo bày một live show ảo thuật tại đây để đánh lừa mọi người. Nhưng không may cho Tùng xẻo, hành động gian manh đó bị nhóm “mắc zịch” phát hiện, báo cho đội bảo vệ và công an tóm cổ. Người có công lớn trong vụ “phán án” này chính là bé Bông - một cô bé tự kỷ, được mệnh danh là “cô bé con nhà trời” - một cô bé có thể nhìn thấy những điều mà người bình thường không thể thấy. Rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Đó có thể xem là nội dung chính của câu chuyện. Tuy nhiên, điều mà tác giả muốn đề cập đến chính là tình bạn trong sáng, lòng dũng cảm và niềm đam mê. Ảo thuật, nếu như được bóc mẽ thì thấy rất đơn giản, dễ dàng, nhưng nếu không biết thì thấy nó như một thứ phép thuật, cuốn hút, thăng hoa. Ảo thuật không phải là phép thuật, nhưng ảo thuật mang lại niềm vui cho người khác, đó chính là phép thuật giữa đời thường, do những người bình thường tạo ra.
Truyện còn đề cập đến những khía cạnh tâm lý đời sống như bước qua nỗi sợ hãi của chính mình và bước qua sự đố kỵ để sống yêu thương chân thành. Truyện viết theo ngôn ngữ trẻ con hiện đại, lại thêm hấp dẫn khi được minh họa bởi nét vẽ theo phong cách doodle art của họa sĩ Nguyễn Sơn.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Ngoắt ngoéo, là vì truyện có màu sắc trinh thám, với nhiều tình tiết làm người đọc hồi hộp, lo lắng. Nhưng cũng như những truyện trinh thám dành cho trẻ em của Alfred Hitchcock và Stefan Wolf, với những thám tử tí hon đóng vai chính, Những đứa trẻ mắc zịch không dẫn người đọc đến những cảnh huống nặng nề, u ám, không có kinh hoàng, chết chóc; tất nhiên số phận của chú bé Trà Đá ở những trang cuối có khiến người đọc dậy lên mối thương tâm nhưng tác giả vẫn đủ nhân hậu, thứ phẩm tính để truyện trẻ em được là truyện trẻ em, chừa cho chúng ta một ngọn nến hy vọng để ai cũng có thể thắp lên trên giá đỡ và thì thầm cầu nguyện cho chú bé đáng yêu”.
Cũng nói về cái kết của tác phẩm, nhiều ý kiến cho rằng cái kết buồn của Những đứa trẻ mắc zịch có thể gây ra cảm xúc mất mát cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, Trần Nhã Thụy giải thích cái kết anh chọn là một “kết mở” để trẻ em và người lớn chúng ta cùng suy ngẫm. Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch thì có cách lý giải khác: “Có những thứ văn học khiến trẻ em vui, nhưng chúng ta cũng cần dạy chúng biết buồn. Nỗi buồn ấy khiến chúng suy ngẫm và trưởng thành”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Trẻ em thông minh hơn chúng ta tưởng. Hình ảnh của chúng thực ra chỉ là bóng của chúng in trong bức tường thời gian của ta, còn chúng thực sự đã đi rồi”. Vì vậy, viết cho thiếu nhi rất khó vì người cầm bút cần thực sự hiểu và sống trong thế giới trẻ thơ. Ông cũng khẳng định văn học thiếu nhi đang lép vế trước các thể loại văn học khác, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là một tác phẩm “đơn độc”. Hiện tại, chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là người làm nên “điều lạ lùng” với thể loại này. Chính Nguyễn Nhật Ánh cũng hy vọng Những đứa trẻ mắc zịch của Trần Nhã Thụy có thể tạo nên một cú đột phá tương tự.
TS. Lê Hương Thủy cho rằng, với tác phẩm này, Trần Nhã Thụy đã có sự đổi mới về bút pháp so với các tác phẩm trước đó. Đây là sự tích cực thường thấy ở thế hệ nhà văn 7x trong thời gian gần đây.
Nhà văn Trương Quý và nhà văn Đỗ Phấn cùng khẳng định: “Chỉ có tuổi già mới viết được về tuổi trẻ. Bởi khi đó ta có sự luyến tiếc về quá khứ. Chúng tôi tin nếu Trần Nhã Thụy không viết vào thời điểm này thì sẽ không bao giờ viết được nữa”.
Nhà văn Trần Nhã Thụy tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tạiTP HCM.
Anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - báo chí trường ĐH KHXH&NV TP HCM, từng làm việc tại Ban Văn hóa - văn nghệ, báo Tuổi Trẻ. Hiện là Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ & Đời Sống tại TP HCM.
Tác phẩm đã xuất bản: Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn),Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài), Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn), Gối đầu trên mây (tập tạp văn), Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết), Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn), Cuộc đời vui quá không buồn được (tập tạp văn), Mùi (tập truyện ngắn và tạp văn),Hát (tiểu thuyết), Triều cường, chân ngắn và rau sạch (tạp văn)
Anh từng nhận nhiều giải thưởng: giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 1998), Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên - báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2003). Tặng thưởng Hội Nhà văn TP HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước ( 2009).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét