Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Thực phẩm an toàn: "Xây" chưa đủ niềm tin

(HQ Online)- Thời gian qua, tại nhiều địa chỉ được Bộ NN&PTNT công bố là nơi bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong kinh doanh khi khách hàng quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên sự chuyển biến này chưa như mong đợi và có nơi đang có chiều hướng dần trầm lắng.
Rau khởi sắc
Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam là một trong những cái tên được Bộ NN&PTTN công bố là đơn vị có cửa hàng bán nông, lâm, thủy sản được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi ngay từ ngày 5-5. Với mặt hàng rau, đến nay, từ chỗ chỉ có 1 cửa hàng được công nhận, Công ty đã phát triển lên 3 cửa hàng được công nhận. rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Kể từ khi được công bố có địa chỉ bán sản phẩm an toàn, lượng khách hàng mới đến với toàn hệ thống cửa hàng BigGreen cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các khách hàng cũ được củng cố niềm tin để thêm gắn bó với DN. “Trung bình mỗi này, toàn bộ hệ thống 5 cửa hàng của BigGreen bán ra khoảng trên 2 tấn rau các loại, trong đó 3 cửa hàng được công nhận bán sản phẩm an toàn theo chuỗi chính là các đơn vị chủ lực. Nếu như trước đây, mỗi tháng tăng trưởng của BigGreen khoảng 10% thì trong mấy tháng gần đây, tính từ sau ngày 5-5, tăng trưởng của BigGreen dao động từ 30-40%/tháng. Những con số này thể hiện việc được công nhận là địa điểm bán sản phẩm an toàn theo chuỗi đã có những tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN”, ông Hưng nói.
Theo bà Trần Thị Liên (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội): Khi biết thông tin xác nhận từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về việc bán rau sạch của cửa hàng BigGreen, bà Liên mới bắt đầu mua rau của DN này và duy trì thường xuyên. Về giá cả, dù rau có đắt hơn ngoài chợ nhưng vẫn chấp nhận được và có cảm giác yên tâm khi sử dụng.
Mặc dù việc kinh doanh được nhìn nhận có khởi sắc hơn trong vài tháng trở lại đây, song ông Hưng cho rằng, điều đáng bàn là mọi thứ lại dần dần đi theo hướng trầm lắng chứ không được sôi động như thời điểm ban đầu. Dự kiến, thời gian Bộ NN&PTNT tiến hành thí điểm các địa điểm bán thực phẩm an toàn theo chuỗi sẽ diễn ra trong vòng một năm (từ 5-5-2016 đến 5-5-2017), tuy nhiên DN mong muốn quá trình thí điểm này sẽ kéo dài hơn để có thể thực sự hình thành thói quen tiêu dùng cho khách hàng chứ không chỉ tạo ra hiệu ứng nhất thời. Cũng theo ông Hưng, sản phẩm bày bán tại các địa điểm bán hàng thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra bất chợt, phân tích đa dư lượng kỹ càng. Nếu DN nào vi phạm sẽ bị tạm dừng chuỗi. Điều này cho thấy, chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo. Thực tế là thế, tuy nhiên, công tác truyền thông cần được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa để người tiêu dùng thực sự hiểu được, đồng thời xây dựng và củng cố thêm niềm tin đối với sản phẩm.
Thịt đìu hiu
Trái ngược với tình trạng khởi sắc của mặt hàng rau, đối với mặt hàng thịt lợn khi được bày bán tại nhiều địa điểm được Bộ NN&PTNT công bố bán sản phẩm an toàn theo chuỗi, tình hình không mấy khả quan. Trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty CP Thủy Thiên Nhu có tới 3 địa chỉ được công nhận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì từ ngày 5-5 đến nay, hoạt động kinh doanh của hệ thống cửa hàng này vẫn không có những chuyển biến rõ rệt. Những khách mới đến với cửa hàng vì thông tin cửa hàng bán thực phẩm sạch có tăng lên, song số lượng khách hàng quay lại hay tiếp tục gắn bó không nhiều. “Thượng đế” gắn bó với Thủy Thiên Nhu chủ yếu là khách quen thường xuyên, đặc biệt là những khách hàng có am hiểu thực sự về thực phẩm hữu cơ.
Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra cho tình trạng này là do người tiêu dùng chưa có đủ lòng tin đối với việc đơn vị được công bố, công nhận bán sản phẩm an toàn, đặc biệt là khi thời gian qua nhiều cơ quan truyền thông thường xuyên đăng tải thông tin DN có thể mua giấy phép, mua việc được công nhận. Đã có không ít khách hàng khi tới lựa chọn mua sản phẩm tại cửa hàng của Công ty vẫn lăn tăn hỏi đi hỏi lại rằng, sản phẩm có thực sự sạch và an toàn hay không.
Theo bà Nguyễn Thị Thái (Cầu Giấy, Hà Nội), gia đình bà Thái cũng có nhu cầu sử dụng thịt lợn khá lớn và luôn quan tâm tới các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, bà Thái cũng hoang mang khi lựa chọn, đặc biệt là đối với sản phẩm thịt đông lạnh mà giá cả cao gần như gấp 3 giá bán ngoài thị trường như thịt lợn của Công ty Thủy Thiên Nhu. “Hiện nay nhiều khi thật giả lẫn lộn. Gia đình tôi có người nhà ở quê nên hay lựa chọn phương án khoảng 1 tháng/1 lần mua các loại rau thịt từ quê gửi. Như vậy, mình không chỉ nắm được nguồn gốc mà còn có cảm giác yên tâm hơn khi dùng đồ tươi sống, tự mình bảo quản. Bên cạnh đó, giá cả thực phẩm mua ở quê cộng cả tiền vận chuyển cũng rẻ và phù hợp hơn với khả năng chi tiêu”, bà Thái nói.
Một số chuyên gia cho rằng, để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, riêng đối với các sản phẩm hữu cơ, Việt Nam rất cần xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, sau đó kiểm tra chứng nhận, cấp dán tem cho sản phẩm. Làm được như vậy, dù sản phẩm được bày bán ở đâu, người tiêu dùng chỉ cần nhìn tem dán là yên tâm mua. Đương nhiên, để đảm bảo hiệu quả, khâu quản lý, giám sát tem dán cũng phải được tiến hành nghiêm túc. Bất kỳ DN nào khi đã dán tem mà sản phẩm bị kiểm tra, phát hiện không đảm bảo an toàn thì phải đình chỉ, xử lý ngay, thậm chí yêu cầu tạm ngừng kinh doanh.
Ngày 5-5, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT chính thức công bố danh sách 69 địa chỉ bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Trong số 69 địa chỉ, tại thủ đô Hà Nội mới chỉ có 7 địa chỉ bán thực phẩm an toàn được xác nhận. Trong đó, có hai địa chỉ bán rau và 5 địa chỉ bán thịt lợn an toàn. Còn tại TP.HCM có 11 địa chỉ được Bộ NN&PTNT xác nhận, gồm các địa chỉ bán rau, thịt lợn, thịt gia cầm và thủy sản an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét