Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Quy định về thuốc bảo vệ thực vật: Có kìm hãm doanh nghiệp sản xuất?


Theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng tại Việt Nam có hiệu lực từ 6.6.2016 do Bộ NNPTNT ban hành thì có đến 1.710 hoạt chất. Đáng nói, tuy dày đặc như vậy nhưng các doanh nghiệp (DN) trực tiếp sản xuất vẫn khó tìm được loại thuốc phù hợp. Điều này dường như đi ngược với mục tiêu mong muốn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát là “giúp người dân có thực phẩm sạch, còn người nông dân chân chính thì sống được bằng việc canh tác thực phẩm an toàn trên ruộng đồng”.
Lỏng... doanh nghiệp kinh doanh
Theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp của Bộ NNPTNT thì có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm...; Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng có 29 hoạt chất. Với “ma trận” thuốc BVTV như vậy đã khiến không chỉ người nông dân, thậm chí là các cán bộ kỹ thuật của các HTX lớn, nhiều khi cũng khó lựa chọn được loại thuốc BVTV mình cần.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới có nhiều tên thương phẩm khiến người dùng hoa mắt, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NNPTNT - cho biết: Khi một DN đăng ký khảo nghiệm và cấp phép sử dụng thuốc BVTV thì cùng một hoạt chất có thể có rất nhiều tên thương phẩm. Hơn thế nữa, tên thương phẩm hoàn toàn có quyền được đặt khác tên hoạt chất vì tôn trọng quyền kinh doanh của DN nên số lượng tên thuốc ngày một dày đặc.
“Đáng chú ý, có những hoạt chất mà DN đăng ký lên tới hàng trăm tên thương phẩm để khi tên này không bán chạy thì họ lại đổi sang tên khác với chương trình tiếp thị mới để bán hàng” - ông Hồng cho hay.
Nhìn nhận bất cập này, Luật Kiểm dịch thực vật đã yêu cầu mỗi DN chỉ được đăng ký một tên thương phẩm đối với mỗi loại hoạt chất để hạn chế số lượng tên thương phẩm trong danh mục được cấp phép hằng năm. Tuy nhiên, việc “vào, ra” tên thương phẩm khỏi danh mục hoàn toàn do DN tự nguyện. Do đó, hầu như không có DN nào đăng ký thuốc của mình ra khỏi danh sách này dù loại thuốc đó không còn bán trên thị trường rất lâu rồi. Đó cũng là lý do tại sao danh mục thuốc BVTV ngày càng dài ra. Rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Điều này cũng lý giải phần nào câu chuyện tại Phú Thọ, Chi cục BVTV tỉnh này đã làm một động tác là nêu rõ tên thương phẩm để bà con nông dân có thể tìm mua, sử dụng kịp thời, chính xác, bởi hơn ai hết, chính những người làm kỹ thuật ở địa phương mới có thể nắm bắt được tình hình dịch hại theo từng mùa vụ. Tuy rằng, ở một góc khác, cũng không loại trừ khả năng các DN cung ứng đã chủ động tiếp cận đơn vị quản lý tìm cách tăng doanh thu...
Khó... doanh nghiệp sản xuất lớn
Như vậy, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng hằng năm được công bố hoàn toàn dựa trên các động thái của DN kinh doanh mặt hàng này. Mặt khác, theo cơ chế sử dụng thuốc BVTV hiện nay thì chỉ những thuốc có trong danh mục mới được sử dụng trong quá trình canh tác nông nghiệp tại Việt Nam. Các loại thuốc trong danh mục cấm hoặc không có tên trong danh mục cho phép thì đều không được sử dụng. Mặc dù, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, thì vẫn có nhiều loại thuốc không có trong danh mục cấm rất tốt, rất hiện đại nhưng do chưa có đơn vị đăng ký khảo nghiệm và cấp phép tại Việt Nam nên loại thuốc đó cũng không có trong danh mục, đồng nghĩa với việc không được dùng trong sản xuất.
Một rào cản khác với các DN muốn tham gia vào chuỗi sản xuất lớn chính là thị trường thuốc BVTV hiện vẫn dừng ở mức tập trung cho một nhóm đối tượng chủ yếu là người nông dân trên các ruộng đồng nhỏ lẻ, phương thức canh tác trồng trọt manh mún.
“Đơn cử như hiện theo quy định, có tới 200 hỗn hợp các chất sử dụng trên rau, củ, quả nhưng lại không hề có nhóm thuốc xử lý hạt giống trên rau. Trung bình 1 tấn hạt giống cần 2-3kg thuốc xử lý hạt giống trên rau, nhưng làm gì có người nông dân nào mua thuốc này, ít người mua nên không có DN bán. Trong khi đó, luật yêu cầu bán thuốc BVTV tại Việt Nam là phải có khảo nghiệm và chứng nhận hợp quy đàng hoàng nên dù có đơn vị nào cần cũng không thể tự tiện nhập loại thuốc này về được” - ông Hồng đưa ví dụ.
Nói vậy, với các nhà sản xuất rau sạch quy mô lớn, nay từ khi mới bắt đầu đã vấp ngay từ khâu hạt giống do khó tìm ra được đối tác cung cấp thuốc xử lý!
Không những thế, do thuốc BVTV trên rau chưa thực sự đa dạng nên muốn làm đúng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả an toàn theo quy định của Bộ NNPTNT cũng rất khó.
Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam nêu rất rõ thuốc gì dùng được cho loại cây nào, tuy nhiên với một số loại rau rất phổ biến thì lại không có quy định. Ví dụ với rau muống không hề có quy định phun thuốc nào để phòng trừ một số loại sâu phổ biến như sâu ba ba, sâu ăn tạp, bệnh nổ lá, bệnh gỉ trắng... Mặc dù thực tế một số loại rau ăn lá nhất định đều chịu tác động hoàn toàn như nhau và có thể dùng chung một loại thuốc, nhưng các quy định không cho phép vì chưa có khảo nghiệm....
Xem ra, những bất cập trong các quy định sử dụng thuốc BVTV có thể sẽ “kìm chân” các DN đang tiến quân vào đầu tư sản xuất nông sản sạch!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét