Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Quy trình hay sự biện hộ vô cảm?

Chưa bao giờ cái từ "quy trình" được sử dụng phổ biến, rộng rãi như hiện nay, dường như nó là từ cửa miệng. Vậy quy trình do ai làm ra ? Quy trình là chân lý, quy luật hay là sự sắp đặt của con người ? Tại sao mỗi khi làm sai, ai ai cũng khẳng định mình “đúng quy trình” ? Tôi, một độc giả, tuy chưa có "quy trình" nào cho phép nhưng cũng xin lạm bàn một chút về "quy trình" - một "chuyện thường ngày ở huyện" chưa có hồi kết này.

Những năm gần đây ở nước ta đâu đâu cũng xuất hiện chữ “quy trình”. Vậy quy trình là cái gì ? Và nó được vận dụng như thế nào trong thời gian qua ?
Từ điển Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học, NXB Từ điển bách khoa, 2013) định nghĩa “quy trình” là “trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc”. Nói rõ hơn, quy trình là các bước tiến hành theo quy định, trình tự. Quy trình giúp người ta làm việc nền nếp, khoa học, hạn chế tùy tiện, cảm tính.
Theo đó, trước đây ta thường nghe thuật ngữ này như : quy trình vận hành máy móc, quy trình lắp ráp động cơ, quy trình sản xuất, quy trình khảo sát ... Gần đây, quy trình mang nghĩa rộng hơn : quy trình khám chữa bệnh, quy trình đào tạo, quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, quy trình thanh tra, kiểm tra ... Quy trình vốn mang tính khoa học, hỗ trợ con người, giúp con người thêm vững tin trong quá trình làm việc. Vậy mà giờ đây nói đến quy trình, người dân thiếu tin và “sợ”.
Bổ nhiệm quan chức đúng “quy trình”
Thực tế cho thấy, trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, ngày càng lộ rõ sự trắng trợn đội lốt “quy trình”. Cha làm quan, con được làm quan. Dân gian gọi nôm na là “Xê Ô Xê Xê” (C.O.C.C - con ông cháu cha”), “con anh sáu, cháu anh ba”. Vài năm gần đây lại xuất hiện câu “Quan hệ - Tiền tệ - Hậu duệ” như là “nguyên tắc” ứng xử trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Báo chí đưa tin không ít cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm không dựa trên phẩm chất, năng lực, uy tín, kinh nghiệm mà chủ yếu dựa trên “quy trình” quy hoạch cán bộ thiếu khách quan, minh bạch. Khi dư luận lên tiếng, những người liên quan thường biện hộ rằng, họ đều làm đúng quy trình. Nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ gây nhiều tai tiếng tạo sự thiếu tin trong nhân dân. Trong đó có vụ bổ nhiệm “quan con” khi tuổi đời còn rất trẻ, thời gian đi học cũng được tính thời gian công tác, sử dụng ngân sách đi du học nước ngoài, chưa qua cao cấp chính trị cũng được bổ nhiệm giám đốc Sở. Rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Đương nhiên, tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, con quan cũng như con dân đều có cơ hội làm lãnh đạo như nhau. Nói như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. HCM cũng rất xác đáng : Nếu con em cán bộ lãnh đạo được tín nhiệm giao những trọng trách quan trọng thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc. Thế nhưng trên thực tế, mọi việc đâu có minh bạch, rõ ràng như vậy. Dù là chuyện vài “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng tiền lệ “quan cha - quan con” như thế ở một số ddija phương khiến cho dư luận bất bình.
Những cái chết đúng “quy trình”
Trước hiện tượng thực phẩm bẩn, nhiễm độc, “giết” người từ từ, báo chí, dư luận cảnh báo nhưng chính quyền hô hào địa phương mình trồng nhiều rau sạch, cung ứng nhiều thực phẩm an toàn. Điều đó kiến ông ông Lê Minh Trung, Bí thư quận ủy Thanh Khê, Đà Nẵng bức xúc phát biểu tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng rằng : “Thành phố có hàng trăm héc-ta rau sạch, rau sạch này bán ở đâu, địa chỉ nào, chỉ cho dân đến mua. Không biết rau sạch hay là dơ thì cứ ăn, ăn xong rồi chết dần dần, gọi là “chết đúng qui trình”. Có người nói rằng ông Trung chơi chữ rất hay, “sáng tạo” từ “quy trình” rất tài : cái chết đúng quy trình !
Vào bệnh viện công, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, nguyên tắc cứng nhắc cộng với sự quan liêu, tắc trách của đội ngũ y, bác sỹ đã làm không ít bệnh nhân chết oan. Khi dư luận lên án, các lãnh đạo bệnh viện đều khẳng định họ khám, chữa bệnh “đúng quy trình”, nghĩa là không sai sót, “không thể nào sai được”. Và tất nhiên, họ không hề nhận trách nhiệm.
Những năm gần đây, nhiều vụ tai nạn y khoa “đúng quy trình” diễn ra, nổi cộm nhất là các vụ : nhiều trẻ em ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), Kim Thành (Hải Dương) đã tử vong bất thường do bác sỹ tiêm thuốc bị “sốc phản vệ; sản phụ Trần Ngọc Hương (Bình Phước) mang thai đôi, chết trên bàn mổ sau khi nhập viện 19 tiếng đồng hồ ! Hà Vi (Đắk Lắk) phải cắt bỏ mất một chân, sau 7 ngày bệnh viện bó bột. Ngoài Hà Vi, còn nhiều nạn nhân như Nguyễn Nho Pháp (Quảng Nam), Trương Chí Nguyện (Bạc Liêu), Nguyễn Ngọc Nhược (Quảng Ngãi) cũng bị cưa chân do “quy trình” tắc trách và sự yếu kém chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ.
Thế nhưng các lãnh đạo bệnh viện trên đều cho rằng, họ làm đúng quy trình chuyên môn, các bệnh nhân tử vong chủ yếu là do… “xấu số”, còn y bác sỹ thì do “rủi ro” nghề nghiệp.
Ở đâu có sự cố, ở đó có “quy trình”
Không chỉ ở trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và khám chữa bệnh, quy trình còn xuất hiện, vây bủa, thao túng mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Nhà máy thủy điện xả lũ vô tội vạ trong đêm làm người dân vùng hạ lưu không kịp trở tay gọi là “xả lũ đúng quy trình”. Lấp sông Đồng Nai làm dự án, làm mất nguồn nước tưới, biến đổi dòng chảy gây ngập úng, cũng gọi “lấp sông đúng quy trình”. Lấp ruộng của dân, đền bù giá rẻ, lấy đất cho thuê, chuyển nhượng mặt bằng để thu lợi ở Hòa Vang, Đà Nẵng vẫn được gọi là “quy hoạch” đúng quy trình.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng dùng tiền xử phạt giao thông để mua 4 xe sang trị giá trên 5 tỉ đồng/xe là vượt quá tiêu chuẩn nhà nước cho phép. Riêng ông bí thư tỉnh này còn dùng xe biển số xanh đó như phương tiện cá nhân. Báo chí phản ánh, ông cũng trả lời việc mua sắm xe là đúng quy trình, được trên đồng ý !
Gần đây “chiến lược” quy hoạch, chỉnh trang đô thị đã tạo ra một số đoạn đường ở Hà Nội và TP. HCM làm khổ dân. Người dân muốn vào nhà mình phải bắc thang để lên hoặc xuống, sau khi con đường ngang qua trước nhà được “nâng cấp”, cải tạo đúng ... quy trình !
Nghi án vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền trung đến nay đã được kết luận chính thức, thủ phạm không ai khác Formosa. Thế nhưng trước đây, một vị “quan” đứng đầu Bộ TN&MT cho rằng nguyên nhân do “thủy triều đỏ”, còn Formosa vô can. Còn Formosa từng khăng khăng mình xả thải đúng quy trình, và khi hết đường chối cãi, thì họ nói rằng do sự cố chập điện nên hệ thống xả thải bị mất kiểm soát, thải chất độc ra biển làm cá chết. Nếu Formosa không cố ý, sự cố này là khách quan ngoài ý muốn, thì thảm họa môi trường vừa qua chỉ là lỗi kỹ thuật, lỗi “quy trình” !
Ngay trên lĩnh vực giáo dục, việc hệ trọng như kỳ thi THPT quốc gia cũng sơ suất lẽ ra không đáng có. Ở môn Ngữ Văn, bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ trong tài liệu “Ôn tập môn Ngữ Văn chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia” (tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 60) ghi là “đất cày”, nhưng trong đề thi THPT quốc gia lại ghi là “bùn” để giáo viên và học sinh ngỡ ngàng, thắc mắc. Bộ GD&ĐT khẳng định mình trích dẫn chính xác, nhưng trong đáp án (do Bộ GD&ĐT công bố) cho rằng từ “bùn” thể hiện sự “mượt mà” và “tinh tế” của tiếng Việt ! Vậy thì còn gì để bàn cãi nữa chuyện Bộ GD&ĐT ra đề, thẩm định đề thi và đáp án đảm bảo tính khoa học và “đúng quy trình” ?
“Quy trình” - sự vô cảm, “phủi” sạch trách nhiệm
Tóm lại, tất tần tật đều do “qui trình”. Ở đâu có sai phạm, ở đó có quy trình. Mọi tắc trách, sai phạm đều do quy trình, còn quan chức, người đứng đầu thì vô can, vô sự.
Điều này đã từng làm cho ông Nguyễn Sĩ Cương, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chua chát lên tiếng : “Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là ... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn ... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm”.
Vậy quy trình do ai làm ra ? Quy trình sai hay con người làm sai ? Quy trình là điều kiện cần hay đủ ? Quy trình là chân lý, quy luật hay là sự sắp đặt của con người ? Việc vận dụng quy trình có công tâm, minh bạch không ? Tại sao mỗi khi làm sai, quan chức lại đổ lỗi cho quy trình, nhất nhất rằng “đúng quy trình” để biện hộ, “phủi” sạch trách nhiệm một cách vô cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét