Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Giữa Hà Nội bụi bặm, bạn sẽ vừa mơ ước vừa ngưỡng mộ cuộc sống giản dị trong veo này


Những đứa trẻ chân trần được chạy trên đất đai, cây cỏ, giữa cái nắng bỏng cháy của mùa hè, giữa ông bà, cha mẹ đang cặm cụi xới đất, xén cỏ cho rau. Chẳng xa thành phố, gia đình ấy chỉ cách chúng ta một nhịp cầu…
Chỉ cách chúng ta một nhịp cầu, “ốc đảo xanh” giữa lòng thành phố đã như thể ở một thế giới khác. Từ trên cầu Long Biên phóng tầm mắt nhìn xuống những rặng cỏ um tùm bên kia sông, khó tin nổi, bãi giữa sông Hồng lại là một thế giới thanh bình, trù mật, nơi có những nếp nhà giản dị và những con người “nhà quê ở phố”. Rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Chỉ cách phố xá một nhịp cầu, "ốc đảo xanh" ở bờ bãi sông Hồng như thể một thế giới khác, trong veo và hồn hậu.
Đang mùa cạn nước, bước chân vào bờ bãi sông Hồng, chẳng còn thấy một tí dấu vết nào của con sông đỏ nặng phù sa như trong thơ ta vẫn đọc; chỉ thấy những lối mòn, những con đường đất quanh co, nhiều đoạn trơn như đổ mỡ dẫn vào những cánh đồng chuối xanh rì, những bãi ngô trải dài tít tắp, những vườn nhãn đang bói quả non, những khoảnh vườn trồng bầu bí, rau cải, rau muống, dưa chuột... xanh rì đang đợi tay hái, xen với những luống ngưu bàng non sẽ được thu hoạch vào dịp Tết… Lúp xúp bên những rặng xanh, giữa “ốc đảo xanh” đó là những túp lều tạm dựng nên bằng tre nứa, bạt phủ… - mái ấm của những gia đình cư dân bãi giữa sông Hồng.
Sâu trong lòng bãi là những túp lều nho nhỏ, nhưng rợp bóng cây xanh hoa hoa trái của những người "nhà quê" thuê đất làm nông dân ở thành phố.
Những người “nhà quê ở phố” như nhà chú Vụ (54 tuổi), cô Tấn (51 tuổi), dầu đã gắn bó với mảnh đất sông Hồng ngót 25 năm nay, đã sinh con đẻ cái, con cái dựng vợ gả chồng, đến đời cháu nội vẫn sống tại mảnh đất cách trung tâm Hà Nội vài bước chân này, ở “ốc đảo xanh” có đến hàng trăm hộ. Họ gắn bó với đất, bám vào đất mưu sinh, và trải qua ngót nửa cuộc đời của mình với bãi giữa, với phố Hà Nội, nhưng lúc nào cũng bảo: “Chúng tôi người nhà quê”.
Gia đình chú Vụ, cô Tấn, cũng như nhiều cư dân khác ở xóm ngụ cư này, từ Hưng Yên lên bãi giữa thuê đất làm nông nghiệp. “Ở quanh đây, một vạt là Hưng Yên, một vạt khác là Phú Thọ, trên trên kia nữa thì có người ở Hà Tây (cũ), đủ cả, cứ dắt díu nhau lên đây thuê đất, dựng lều mà trồng trọt thôi. Có nhà trồng ngô, chuối, rau màu, có nhà chỉ ưa trồng ngưu bàng (một vị thuốc Bắc, thuốc Nam), cũng có người trồng cây ăn quả như ổi lê, nhãn, ít nhà chăn thêm con gà con vịt cho có đồng ra đồng vào, đủ hết, chả khác gì ở quê” – vừa ngồi vặt đám rau sam và cỏ dại đang lấn đất của luống rau cải, chú Vụ vừa kể.
Gia đình chú Vụ là một trong những nhà hiếm hoi có đủ 3 thế hệ sống ở bãi giữa sông Hồng.
Ở quê Hưng Yên, gia đình cô chú cũng có đất, nhưng cứ chắp và mỗi nơi mỗi mảnh, lại không màu mỡ, thế là, đất ở quê cho người khác thuê lại, theo chân hàng xóm, họ dắt nhau lên bãi giữa này thuê đất nông nghiệp để tiếp tục làm nông. Hai cô con gái sinh năm 1991 và 1995 đã đi lấy chồng ở nơi khác, còn cậu trưởng 1987 lấy vợ, sinh con, cũng cùng cha mẹ ở đây, trồng chuối, trồng rau màu, mùa nào thức nấy, gánh lên bán ở chợ và những con đường đi ngang phố cổ.
Cô Tấn và chú Vụ đã bỏ quê lên bám trụ đất bãi giữa sông Hồng 25 năm nay, sống nhờ mấy mẫu chuối lá và rau sạch.
Tùng Lâm (6 tuổi) và Như Ý (4 tuổi) là những đứa trẻ hiếm hoi ở khu “ốc đảo xanh”, chẳng phải vì ở đây hiếm người, mà bởi nơi này hiếm người trẻ còn thích gắn bó với đất đai, với vườn tược như bố mẹ các bé. Chân đất, đầu trần, lũ trẻ đang trong đợt nghỉ hè tha hồ chạy chơi, tự bày trò với nhau cho hết ngày, trong khi ông bà, bố mẹ cật lực làm cỏ trên những luống rau, đánh chuối ra trồng ở đất mới hay cải tạo đất… Da đứa nào cũng nâu bóng màu bánh mật vì dang nắng, người ngợm chắc nịch vì chạy nhảy suốt ngày, hoặc lăng xăng giúp ông bà bắt sâu, nhổ cỏ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét