Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Kawakami – Câu chuyện thoát nghèo từ cây xà lách


Câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo của người dân làng Kawakami đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản. Từ cây xà lách, những người nông dân cần cù đã đưa Kawakami trở thành địa phương giàu nhất đất nước.
Cơ duyên với cây xà lách
Làng Kawakami có diện tích 209,6km vuông, ở Đông Nam tỉnh Nagano, cách thủ đô Tokyo 190km về phía Tây. Tọa lạc trên vùng cao nguyên với nơi cao nhất có độ cao 2.599 m so với mặt biển và thấp nhất là có độ cao 1.110 m, lượng mưa thấp, làng Kawakami có khí hậu ôn đới khô và mát mẻ, đặc biệt thích hợp để trồng các loại rau đặc trưng của vùng cao nguyên. Tuy nhiên, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, đây là một trong những ngôi làng nghèo và lạc hậu nhất Nhật Bản. rau sạch, tin tức mới nhất trong ngày
Chúng tôi đến làng Kawakami trong một ngày cuối tháng 6. Lúc đó là vào khoảng 3 giờ chiều, nhiệt độ vào khoảng 25 đến 27 độ C. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng xà lách mơn mởn, trải dài trong ánh nắng chói chang. Lác đác một vài người nông dân đang làm công việc nhổ cỏ, dọn dẹp trên cánh đồng.
Đón chúng tôi là Phó Trưởng làng, anh Tomohiro Nishio, giải đáp sự tò mò về những cánh đồng mênh mông nhưng hầu như không có người, anh cho biết bây giờ là thời điểm nóng nhất trong ngày vì vậy không phải là thời gian để hái hay trồng xà lách mà chỉ là thời gian làm các công việc chuẩn bị. Anh cho biết nhiệt độ tối đa của Kawakami là 28 độ C, nếu vượt qua ngưỡng này, xà lách sẽ nở hoa. Ngoài ra, nhiệt độ giữa ngày và đêm của Kawakami có sự chênh lệch khá lớn. Khi đêm xuống, nhiệt độ sẽ xuống dưới 10 độ C, là nhiệt độ lý tưởng để thu hoạch xà lách. Những đặc trưng thời tiết này đã giúp Kawakami trở thành địa phương duy nhất tại Nhật Bản trồng xà lách vào mùa hè.
Vốn là một làng nghèo nhất của Nhật Bản trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, khi tôi hỏi về cơ duyên đã đưa người dân Kawakami đến với cây xà lách, anh Tomohiro Nishio cho biết xuất phát điểm của nghề trồng rau xà lách tại Kawakami là thời điểm quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lính Mỹ muốn ăn xà lách trong khi hoạt động vận chuyển rau xà lách từ Mỹ sang gặp nhiều khó khăn, họ muốn tìm một địa phương có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng xà lách cung cấp cho thực đơn của lính Mỹ trong mùa Hè. Người Mỹ nhận ra khí hậu khô, lạnh của Kawakami là môi trường hoàn hảo để trồng loại rau này.
Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Nhật Bản phục hồi nhanh chóng, cuộc sống của người Nhật Bản cũng trở nên sung túc hơn. Thực đơn của người Nhật trở nên phong phú. Cùng với các món ăn truyền thống của Nhật Bản, khẩu vị người Nhật cũng dần được “Tây hóa” và họ trở nên ưa thích loại rau này. Xà lách trở thành một trong những nguyên liệu chính trong các bữa ăn của người Nhật Bản, rau xà lách tại Kawakami sản xuất ra đến đâu đều được bán hết đến đấy. Đó là cơ sở cho nghề trồng rau xà lách tại Kawakami phát triển mạnh mẽ.
Một nắng hai sương
Nắm bắt cơ hội từ cây xà lách, người dân Kawakami đã quyết tâm đầu tư một cách bài bản để phát huy hết lợi thế của địa phương. Các kỹ thuật gây giống, canh tác, thu hoạch, vận chuyển đều được áp dụng một cách quy chuẩn và hiện đại. Làng còn đề ra những quy định nghiêm ngặt, các sản phẩm rau của làng được quản lý chặt chẽ bởi một hệ thống kiểm soát chất lượng đồng bộ từ vườn cho đến nhà cung cấp, đảm bảo sản phẩm rau chất lượng cao nhất và tươi nhất.
Theo phó trưởng làng Kawakami, một mùa xà lách bao gồm các công đoạn từ chuẩn bị trồng rau đến thu hoạch diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11. Đầu tiên là công đoạn chuẩn bị đất trồng. Đất được xới lên và được kiểm tra các thành phần chất trong đất, căn cứ vào kết quả kiểm tra, đất trồng sẽ được bổ sung các thành phần hóa chất còn thiếu. Phân hữu cơ để tăng độ màu cho đất sẽ được trộn đều trong đất trước công đoạn trồng cây. Sau đó, đất tơi xốp đã được bổ sung đầy đủ các khoáng chất và chất màu sẽ được đánh luống và trải nilon. Hai công đoạn này đã được cơ giới hóa.
Theo anh Tomohiro Nishio, kỹ thuật trồng và thu hoạch xà lách tại Nhật Bản là xuất phát từ Kawakami. Anh cho rằng ưu điểm quan trọng nhất của Kawakami trong kỹ thuật canh tác xà lách phủ ni lon lên đất trước. Nilon được phủ nhằm giữ độ ẩm cho đất, ngăn không cho cỏ mọc xen với xà lách và giữ nhiệt độ của đất không xuống quá thấp ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của cây. Ngoài ra, Kawakami cũng áp dụng những kỹ thuật hiện đại trong khâu vận chuyển như kho đông lạnh, thiết bị vận chuyển để đảm bảo cung cấp đến tận người tiêu dùng sản phẩm rau xà lách tươi ngon nhất.
Đối với công đoạn gây giống, nông dân chuẩn bị các khay gồm nhiều ô nhỏ chứa đất đã được trộn với phân hữu cơ, mỗi một ô được để một hạt giống. Sau khi hạt giống nảy mầm thành những cây xà lách nhỏ, nông dân sẽ đem các khay xà lách giống ra đồng để trồng từng cây xà lách. Từ 45 đến 50 ngày sau khi trồng, xà lách sẽ được thu hoạch. Trong quá trình xà lách trưởng thành, nhiệm vụ của nông dân ở ngoài đồng là tưới nước và làm cỏ.
Từ năm 1988, làng Kawakami đã đi trước cả nước khi khởi công xây dựng truyền hình cáp của làng, phát các chương trinh về các sự kiện của làng, của trường học, hoạt động vận chuyển rau, thông tin thời tiết, các cuộc họp của làng.
Mùa thu hoạch xà lách thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10. Đây cũng là thời điểm vất vả nhất của nông dân. Anh Hirotaka Nakajima, 29 tuổi, nông dân làng Kawakami cho biết anh thường bắt đầu việc thu hoạch từ 1h sáng, thời điểm nhiệt độ còn thấp, dưới 10 độ C. Theo những nông dân Kawakami, họ ưu tiên thu hoạch xà lách trước khi mặt trời mọc vì do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá lớn. Nếu thu hoạch ban ngày, nhiệt độ cao sẽ làm cây xà lách không giữ được độ tươi giòn cần thiết.
Vẫn có thời điểm việc thu hoạch được kéo dài cả sau khi mặt trời mọc do phải đáp ứng đủ số lượng theo đơn đặt hàng, song tối đa chỉ đến 9h sáng là kết thúc. Cây xà lách sau khi được hái sẽ được úp lên ruộng, nông dân sẽ phun nước lên những cây xà lách để làm trôi nhựa ở cuống, sau đó xếp vào thùng carton. Tùy theo kích thước của cây xà lách mà một hộp carton chứa được từ 12-14 cây hoặc 24-26 cây/hộp.
Các hộp rau xà lách sẽ được chuyển về hệ thống kho đông lạnh và được vận chuyển đi khắp nơi Nhật Bản. Thông thường, trong nội địa, xà lách Kawakami sẽ đến với người tiêu dùng chậm nhất là một ngày sau khi thu hoạch. Kết thúc một mùa canh tác nông nghiệp, các nông dân Kawakami có nhiều lựa chọn trong kỳ nghỉ Đông từ tháng 12 đến tháng 2.
Anh Tastuya Nakajima cho biết gia đình anh thỉnh thoảng đi du lịch, tuy nhiên, nếu cả gia đình không thể đi cùng nhau, anh thường đến các vùng lân cận tìm việc làm thêm như làm ở sân trượt tuyết.
Với anh Kimito Yui, mùa đông là thời gian mà gia đình dành cho những sở thích cá nhân, những sở thích mà trong mùa hè không thể làm được vì quá bận với việc nhà nông.
Anh Hirotaka Nakajima thì nói vui rằng vì mùa Hè quá vất vả với công việc làm nông rồi nên mùa đông chính là thời gian sạc lại năng lượng cơ thể để còn chuẩn bị tinh thần cho mùa tiếp theo.
Giá một hộp xà lách tại Kawakami vào khoảng 1.000 yen. Theo số liệu do làng cung cấp, doanh thu của một hộ gia đình trồng rau tại Kawakami từ 25 đến 30 triệu yen.
Làng Kawakami nổi tiếng là một trong những nơi đáng sống nhất Nhật Bản, không chỉ với khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp, nguồn thu kinh tế ổn định mà còn là một hệ thống phúc lợi xã hội hoàn chỉnh. Hạ tầng dịch vụ công phục vụ nhân dân như bệnh viện, nhà trẻ, trường học… đều được chú trọng. Người dân ở đây được hưởng một hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu Nhật Bản, có tuổi thọ trung bình thuộc vào nhóm cao nhất Nhật Bản. Chính vì vậy, Kawakami là một trong số ít những địa phương có tỷ lệ thanh niên cao của quốc gia này. Lao động trong độ tuổi 30 – 39 chiếm 14,1%, cao hơn gấp 4 lần so với 3,3% của cả nước. Lao động trong độ tuổi từ 40-49 đạt tỷ lệ 22,9%, cao gần gấp 3 tỷ lệ 8,1% của toàn quốc, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 trở lên chiếm 26,5%, chưa bằng một nửa tỷ lệ 57,4% của cả nước.
Cùng với một cuộc sống đầy đủ vật chất, người dân Kawakami cũng chú trọng xây dựng một cuộc sống tinh thần phong phú (tiếng Nhật gọi là “kokoromochi”). Nông nghiệp không chỉ đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống sung túc mà còn giúp họ gắn bó hơn với mảnh đất quê hương và thân thiện với thiên nhiên.
Với anh Tastuya Nakajima, ý nghĩa đầu tiên của công việc làm nông là giữ gìn và gắn kết mảnh đất mà anh được kế thừa từ gia đình. Anh nói rằng nếu không canh tác,đất sẽ bị bỏ hoang và cỏ dại sẽ mọc kín.
Anh Kimito Yui và anh Hirotaka Nakajima cho rằng một trong những niềm vui lớn của công việc mà các anh đang làm là cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất, được người tiêu dùng đón nhận, khen ngợi. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp các nông dân ý thức rõ việc gìn giữ môi trường thiên nhiên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét